“Tôi là túi có thể phân hủy, không phải túi nhựa”

Bắt đầu thi hành quy định cấm túi nhựa từ đầu năm 2019, người dân ở nhiều bang tại Ấn Độ đang dần thích nghi với việc đi mua hàng không túi nhựa, bằng cách mang theo túi riêng, hoặc phải trả tiền lấy thêm túi vải dùng nhiều lần.

"Tôi[-]là[-]túi[-]có[-]thể[-]phân[-]hủy,[-]không[-]phải[-]túi[-]nhựa"

Người dân xách túi đi mua hàng ở một cửa hàng địa phương – Ảnh: VŨ THỦY

 
Nếu lỡ quên túi hoặc không muốn mua thêm túi vải, họ tận dụng luôn ba lô đi làm để đựng thực phẩm.
 
Ở một cửa tiệm tạp hóa ở TP Chennai (bang Tamil Nadu, Ấn Độ), một người phụ nữ đứng chờ tính tiền và lần lượt cho một bắp cải, quả bí ngòi xanh, trái mướp và cả mấy trái táo vào ba lô.
 
Chẳng người nào xung quanh thấy kỳ lạ về chuyện đó, bởi từ khi bắt đầu thực hiện lệnh cấm túi nhựa, nếu trên đường từ nơi làm việc về nhà, muốn mua hàng mà quên mang theo túi, họ phải tận dụng mọi cách để mang đồ về.
 
Không chỉ thực thi lệnh cấm ở những trung tâm mua sắm lớn mà lệnh cấm này được thực hiện cả ở những tiệm tạp hóa nhỏ ở địa phương. Người ta đã quen dần với việc xách theo một cái túi lớn khi đi mua hàng hóa.
 
"Tôi[-]là[-]túi[-]có[-]thể[-]phân[-]hủy,[-]không[-]phải[-]túi[-]nhựa"
Lót thực phẩm bằng lá chuối. Đựng thực phẩm dễ dập bằng túi giấy – Ảnh: VŨ THỦY
 
Ở tiệm thuốc tây, thuốc sẽ cho vào túi giấy nhỏ thay cho túi nylon. Ở một cửa hàng rau quả, với các loại trứng, những loại trái cây dễ dập, hoặc quá nhỏ không thể xách cả chùm hay cầm từng trái, cửa hàng để sẵn túi giấy nhỏ cho khách. Họ dùng cả giấy báo cũ lẫn lá chuối để lót quầy hàng.
 
Còn đối với ngành công nghiệp giao thức ăn nhanh thì sao? 
 
Tôi  đặt trên một app giao thức ăn món biryani – cơm cà ri gà truyền thống của Ấn và món rotti với sốt.
 
Một túi hàng được giao đến gồm một hộp kim loại mỏng đựng cơm gà trong túi giấy, và món rotti được gói trong lá chuối tươi, hai hộp kim loại mỏng loại nhỏ đựng sốt. Theo một người dân địa phương, các hộp kim loại này sẽ được thu gom để tái chế.
 
"Tôi[-]là[-]túi[-]có[-]thể[-]phân[-]hủy,[-]không[-]phải[-]túi[-]nhựa"
Các nhà hàng giao thức ăn mang đi bằng túi “I’m a compostable bag, not a plastic bag” – Ảnh: VŨ THỦY
 
Tại một nhà hàng khác, khi khách đặt thức ăn mang về thì vẫn là hộp kim loại mỏng và những cái túi mỏng mà mới nhìn sơ qua người ta sẽ nghĩ là túi nylon. Nhưng trên túi có in một dòng chữ: “I am a compostable bag, not a plastic bag” – đại ý “tôi là túi có thể phân hủy được, tôi không phải túi nhựa”.
 
"Tôi[-]là[-]túi[-]có[-]thể[-]phân[-]hủy,[-]không[-]phải[-]túi[-]nhựa"
Dịch vụ giao đồ ăn tận nơi sẽ giao hàng bằng túi giấy – Ảnh: VŨ THỦY
 
Venkatesh (30 tuổi, một người dân tại Chennai) cho biết việc cấm túi nhựa ban đầu cũng gây ra khá nhiều bất tiện, vì mọi người vốn quen với việc tay không đi chợ, đi mua sắm. “Nhưng tôi thấy đây là một điều rất tích cực để giảm thiểu ô nhiễm vốn đang rất nặng nề ở Ấn Độ”, anh chia sẻ.
 
Từ đầu năm 2019, chính quyền bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm 14 loại túi nhựa. Lệnh cấm ở Tamil Nadu – nơi có gần 68 triệu người sinh sống là một phần trong chiến dịch quốc gia nhằm loại bỏ rác thải nhựa ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
 
Vào tháng 6-2018, dịp Ngày môi trường thế giới của Liên hiệp Quốc được tổ chức tại Ấn Độ, thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi đã phát biểu rằng quốc gia này sẽ loại bỏ nhựa dùng một lần vào năm 2022.
 
Tại Ấn Độ, nhiều bang đã tiến hành lệnh cấm túi nhựa từ năm 2018. Tính đến đầu năm 2019, đã có hơn một nửa chính quyền địa phương trong số 29 bang và 7 vùng lãnh thổ của Ấn Độ đưa ra các quy định hướng tới mục tiêu giảm thiểu túi nhựa dùng một lần.
 
Phổ biến nhất là cấm sử dụng túi nylon mỏng. Chính quyền nhiều bang cũng đang cắt giảm sản xuất nhựa bằng cách đóng cửa nhiều nhà máy và cấm nhập khẩu các sản phẩm nhựa.
 
Vũ Thủy
nguồn: http://www.tinmoitruong.vn/bao-ve-moi-truong/toi-la-tui-co-the-phan-huy–khong-phai-tui-nhua_80_55841_1.html