Tiếp tục tìm kiếm gen rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên

Hoạt động thu thập và chẩn đoán mẫu gen trong môi trường dự kiến được tiến hành vào tháng 12 năm nay và tháng 1/2019.

Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) và Tổ chức WCS vừa thực hiện khóa tập huấn giới thiệu về gen trong môi trường (eDNA) và thử nghiệm kỹ thuật phát hiện eDNA dùng thiết bị di động để tìm kiếm cá thể giải Sin-hoe hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei). Kỹ thuật này giúp tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên thông qua phát hiện gen từ mẫu đất, nước và không khí, thay vì lấy trực tiếp từ rùa.

Các học viên thực hành tìm kiếm mẫu gen ngoài môi trường. Ảnh: WCS.

Các học viên thực hành tìm kiếm mẫu gen ngoài môi trường. Ảnh: WCS.

Trước đó từ ngày 26/4 đến 9/5, tiến sĩ Tracie Seimon và tiến sĩ Brian D. Horne, chuyên gia về rùa nước ngọt và rùa cạn (thuộc Tổ chức WCS) đã hướng dẫn các nhà nghiên cứu bảo tồn cách điều khiển và áp dụng bộ dụng cụ di động eDNA trong khảo sát thực tế. Sau 2 ngày học lý thuyết, học viên có 13 ngày thực hành sử dụng bộ dụng cụ nhằm thu thập và chẩn đoán mẫu nước có thể có gen rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Hoạt động thu thập và chẩn đoán mẫu gen trong môi trường tiếp theo dự kiến được tiến hành vào tháng 12/2018 và tháng 1/2019, khi nhiệt độ nước xuống thấp hơn, nhằm tối ưu hóa cơ hội tìm ra DNA của rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh.

Thực hành tìm kiếm mẫu gen rùa Hoàn Kiếm. Ảnh: WCS.

Thực hành tìm kiếm mẫu gen rùa Hoàn Kiếm. Ảnh: WCS.

Theo các chuyên gia, eDNA có thể được sử dụng như một công cụ pháp y để phát hiện các loài quý hiếm dựa vào mẫu môi trường như đất, nước và không khí. Đây là bộ dụng cụ di động chẩn đoán phân tử, để xác định eDNA được Tổ chức WCS phát triển thành công, với mục đích tìm ra những loài có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt tập trung vào loài rùa Hoàn Kiếm.

Với tính năng chẩn đoán nhanh, di động và thân thiện với môi trường, bộ dụng cụ eDNA mang lại hy vọng mới cho việc tìm kiếm cá thể rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên, giúp hoạt động thu thập, chẩn đoán mẫu nước trở nên dễ dàng hơn.

Bích Ngọc

Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/tiep-tuc-tim-kiem-gen-rua-hoan-kiem-ngoai-tu-nhien-3753853.html