Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững

Tác giả: Lê Trọng Cúc, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội

Giới thiệu

Sinh thái nhân văn là khoa học nghiên cứu các mối quan hệ có hệ thống giữa xã hội loài người và môi trường thiên nhiên. Quyển sách “Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững” này là cố gắng thu thập, chọn lọc những kiến thức có được trong nhiều tài liệu trên thế giới và trong nước, cũng như từ các kết quả nghiên cứu của bản thân, xây dựng thành tài liệu gọn nhẹ và đơn giản, phục vụ cho học tập và giảng dạy. Hiện nay giáo trình “Sinh thái nhân văn” đang được giảng dạy ở khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, đại học Vinh và một số trường khác ở bậc đại học và sau đại học.

Trước đây, trong các nghiên cứu sinh thái học con người thường chỉ đứng ngoài như một siêu yếu tố để quan sát và nhận định các quá trình tự nhiên. Ngày nay, có thể nói không có một hệ sinh thái nào trên bề mặt trái đất lại không có sự tác động của con người. Cũng vì thế mà năm 1971, Tổ chức Khoa học, Văn hoá và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đề xướng và thành lập chương trình “Con người và Sinh quyển – (MAB)”. Mục tiêu rộng lớn của chương trình này là phát triển trên cơ sở kết hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên sinh quyển để cải thiện mối quan hệ toàn cầu giữa con người và thiên nhiên, cảnh báo hậu quả các hoạt động của con người ngày nay lên thế giới ngày mai và bằng cách đó tăng cường khả năng của con người để bảo vệ một cách hiệu quả hơn tài nguyên Sinh quyển.

Con người, thực tế đã trở thành hạt nhân trung tâm của các nghiên cứu sinh thái học. Xã hội loài người được đặc trưng bằng sự tiến bộ vượt bậc và con người trở thành nhân tố vĩ đại nhất trong mối quan hệ với thiên nhiên. Con người có khả năng quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên cũng làm suy thoái nhiều hệ sinh thái trên bề mặt trái đất.

Mô hình hiện đại về sinh thái nhân văn là dựa trên nguyên tắc quan hệ có hệ thống giữa xã hội loài người (hệ xã hội) và môi trường thiên nhiên (hệ sinh thái), làm thành hệ thống sinh thái nhân văn. Mục đích của nghiên cứu sinh thái nhân văn là tìm hiểu và nhận biết các đặc điểm và các mối quan hệ qua lại giữa các hệ thống này với nhau và sự hình thành những hình thái đặc trưng trong hệ thống xã hội và hệ sinh thái.

Hệ sinh thái nhân văn tập hợp sự tác động của các nhân tố bao gồm dân số, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, chính trị và các đối tượng xã hội khác như giá trị, nguyện vọng, đạo đức, với các điều kiện môi trường tự nhiên làm nảy sinh ra các quy luật động thái thống nhất tự nhiên – xã hội. Tự nhiên và xã hội liên kết chặt chẽ trong khuôn khổ của một hệ thống sinh thái nhân văn hoàn thiện, mà hệ thống đó đã trải qua quá trình lịch sử tiến hoá của tự nhiên và sự phát triển của xã hội loài người. Sinh thái nhân văn nghiên cứu ở mức độ hệ thống toàn vẹn, trang bị cho nó vũ khí để có thể đương đầu được với các vấn đề môi trường ngày càng tăng lên và các hệ thống tự nhiên – xã hội luôn luôn thay đổi.