Mâu thuẫn Đất Đai Giữa Công Ty Lâm Nghiệp và Người Dân Địa Phương

Báo cáo “Mâu Thuẫn Đất Đai Giữa Công Ty Lâm Nghiệp và Người Dân Địa Phương” do Tổ chức Forest Trends phối hợp với Viện Tư vấn Phát triển (CODE) thực hiện nhằm phản ánh thực trạng của việc sử dụng đất tại các Công ty lâm nghiệp, hay còn gọi là lâm trường.

Báo cáo tập trung phân tích các mâu thuẫn trong sử dụng đất rừng giữa các lâm trường và người dân địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng con số 76.000 ha là tổng diện tích đất lâm nghiệp nằm trong diện tranh chấp, lấn chiếm tính đến hết năm 2011 theo như thống kê của cơ quan quản lý Nhà nước là nhỏ hơn rất nhiều so với diện tích thực tế.  Nói cách khác, con số này chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm về tình trạng mâu thuẫn đất lâm nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Con số thống kê chính thống cũng chưa phản ánh được tính phức tạp của về nguyên nhân mâu thuẫn, tác động của mâu thuẫn, và các cơ chế giải quyết tranh chấp hiện đang được áp dụng tại địa phương. Báo cáo này nhằm góp phần làm rõ một số vấn đề mà con số thống kê chính thức về diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm chưa thể hiện được. Kết quả của nghiên cứu được dựa trên nguồn số liệu thứ cấp và số liệu khảo sát thực địa được nhóm tác giả tiến hành tại 4 địa bàn.

Báo cáo chỉ ra rằng mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân đã và đang diễn ra gay gắt tại một số địa phương. Có ba nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn.

Thứ nhất, người dân thiếu đất canh tác nhằm đảm bảo sinh kế. Thiếu đất cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo cao tại các điạ bàn nơi nghiên cứu này được thực hiện.

Thứ hai, do bất bình đẳng trong sử dụng đất: các lâm trường đang sử dụng nhiều đất, nhiều nơi cho hiệu quả thấp, trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Tại một số địa phương, Chính quyền cắt đất từ các lâm trường và đem giao cho các công ty tư nhân để phát triển cây công nghiệp với mục đích lợi nhuận cao, thay vì chia đất cho dân nhằm thoát nghèo. Sự bất bình đẳng còn thể hiện khi lâm trường trao hợp đồng khoán và bảo vệ rừng cho người ngoài cộng đồng, thông thường là những người giàu, mà không giao cho người dân tại chỗ, từ đó làm mất cơ hội về thu nhập và việc làm cho những người dân nghèo.

Thứ 3, do việc phát triển mạnh mẽ mạng lưới thị trường hàng hóa nông sản ở vùng núi, bao gồm cả gỗ rừng trồng, trong thời gian gần đây tạo điều kiện cho việc nâng cao thu nhập cho nhiều người. Tiếp cận và kiểm soát đất đai trở thành cơ hội nâng cao thu nhập cho những người có các quyền này. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về đất lâm nghiệp tại một số địa phương. Mâu thuẫn đất đai có tác động tiêu cực về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, bởi nó làm căng thẳng mối quan hệ giữa người dân, lâm trường, chính quyền địa phương, và giữa người bên trong và người ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, mâu thuẫn gây lãng phí thời gian và tiền bạc của các bên liên quan, làm giảm cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất và rừng, mất cơ hội liên doanh liên kết, hạn chế giá trị gia tăng cho nguồn gỗ khai thác thông qua chương trình gỗ có chứng chỉ.

Để đọc báo cáo chi tiết, vui lòng xem tại đây

Rungvacongdong