Hội thảo Đông Nam Á lần thứ 43 “Tăng trưởng kinh tế, Sinh thái và Bình đẳng: Bài học từ Việt Nam”

Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ năm 2019, từ ngày 8 – 13/11/2019, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), Đại học Kyoto (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo khoa học Đông Nam Á lần thứ 43 “Tăng trưởng kinh tế, Sinh thái và Bình đẳng: Bài học từ Việt Nam”.

Mặt trái của tăng trưởng kinh tế thường dẫn đến suy thoái về sinh thái và bất bình đẳng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang phải đối mặt với sự hủy hoại về sinh thái và các bất bình đẳng, như bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong cơ hội việc làm và giáo dục không đồng đều, cũng như sự cách biệt giữa các vùng, miền và các quốc gia. Những vấn đề bất cập này là một trong thách thức lớn và mang tính cấp bách hiện nay ở khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội và năng động nhất trong khu vực. Sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua rất đáng ghi nhận. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu đổi mới kinh tế và chính trị, chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường đã thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, nhanh chóng, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Từ 2002 đến 2018, hơn 45 triệu người đã thoát nghèo, tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). GDP đầu người tăng 2,5 lần; đạt trên 2.500 USD năm 2018. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn có nhiều điểm sáng, dù vẫn có dấu hiệu điều chỉnh giảm tăng trưởng theo chu kỳ. Việt Nam đang chứng kiến thay đổi nhanh về cơ cấu dân số và xã hội, chỉ số vốn con người (HCI) xếp thứ 48 trên 157 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ hai ở ASEAN (chỉ sau Singapore). Với tốc độ phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua, bằng nhiều cách khác nhau, Việt Nam đã cố gắng đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng, sinh thái và bình đẳng. Do đó, mục tiêu của Hội thảo nhằm trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm của Việt Nam về chuyển đổi kinh tế – xã hội so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của 28 đại biểu là những học giả, các nhà khoa học đến từ các nước trong khu vực như: Việt Nam, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan. Các đại biểu đã chia sẻ các vấn đề tăng trưởng kinh tế, sinh thái và bình đẳng của các cộng đồng người dân tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Các báo cáo tham luận đến từ Việt Nam (PGS.TS. Lưu Thế Anh, TS. Nghiêm Thị Phương Tuyến và TS. Đào Thế Anh) và Nhật Bản (GS. Yoko Hayami, GS. Masayuki Yanagisawa và GS. Wataru Yamazaki) đã tập trung trao đổi về các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển các đô thị tại Việt Nam trong thời gian qua, các rủi ro và thách thức đối với phát triển bền vững của Việt Nam.

PGS.TS. Lưu Thế Anh (trái) và TS. Đào Thế Anh (phải) trình bày tham luận tại Hội thảo

TS. Nghiêm Thị Phương Tuyến (trái) và GS. Yoko Hayami (phải) trình bày tham luận

Trong khuôn khổ Chương trình của Hội thảo, nhằm tìm hiểu các vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội, sinh thái, bình đẳng và lịch sử của Việt Nam, Hội thảo đã tổ chức chuỗi hoạt động khảo sát thực tế tại 4 làng nghề ở Hà Nội (Làng nghề mây tre đan Phú Vinh – Chương Mỹ, làng nghề làm nói Chuông – Thanh Oai, làng hoa Tây Tựu – Từ Liêm, làng nghề quạt giấy Chàng Sơn – Thạch Thất); Khu di tích lịch sử Làng Sen – xã Kim Liên – huyện Nam Đàn và Khu du lịch sinh thái thôn Cao Vều – xã Phúc Sơn – huyện Anh Sơn của tỉnh Nghệ An.

Qua hoạt động trải nghiệm thực tế, bước đầu Hội thảo đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận thông qua những báo cáo kết quả về các vấn đề kinh tế – xã hội, sinh thái, bảo tồn, chính sách giáo dục, chính sách phát triển, dân tộc học từ thực tế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Sau 6 ngày diễn ra các hoạt động phong phú và đa dạng, Hội thảo đã thành công tốt đẹp và mang lại những kết quả ý nghĩa và thiết thực. Hội thảo là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng góp phần quảng bá, kết nối và chia sẻ những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Đất nước Việt Nam với các nước trong khu vực. Đồng thời, góp phần thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật giữa Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản trong thời gian tới.

Một số hình ảnh trong chuỗi hoạt động của Hội thảo.

Một số tin liên quan:

Southeast Asia Seminar 2019