Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2010 về quản lý tài nguyên thiên nhiên

Báo cáo Phát triển Việt Nam (VDR) là một báo cáo chung của các đối tác phát triển.

Mục đích của báo cáo là thông báo về chương trình cải cách của Chính phủ Việt Nam và hướng tới sự hài hòa trong những hỗ trợ của các đối tác phát triển dành cho khung cải cách này. Dođó, nội dung của báo cáo không nhấn mạnh nhiều đến thông tin về bối cảnh mà sẽ chú trọng nhiều hơn đến hướng đi sắp tới.
Báo cáo này chỉ là một trong loạt các báo cáo thường niên được soạn thảo trong nhiều năm nay đề cập đến những chủ đề phát triển quan trọng nhất của Việt Nam.

Các báo cáo này dựa trên cơ sở Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội của chính phủ, là căn cứ cho chương trình phát triển tổng quát của chính phủ.
Chủ đề của Báo cáo Phát triển Việt Nam năm nay là quản lý tài nguyên thiên nhiên.Câu hỏi chính mà báo cáo này đặt ra là: Làm thế nào để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên nhằm giảm nghèo một cách bền vững về mặt môi trường và xã hội?

Để nghiên cứu câu hỏi này, cần phải giải quyết một số chủ đề phụ sẽ trình bày chi tiết ở các chương của báo cáo. Báo cáo được cấu trúc để giải quyết các chủ đề chính là tính hiệu quả, sự bền vững môi trường và sự công bằng trong các chương về các lĩnh vực tài nguyên như đất, nước, rừng, tài nguyên biển và tài nguyên khoáng sản. Chương đầu tiên của báo cáo cung cấp một cái nhìn tổng quan khái quát và có vai trò kết nối các chương tiếp theo. Cuối cùng là một phụ lục thống kê cung cấp thêm các số liệu để hỗ trợ cho nội dung của phần báo cáo chính.
Báo cáo Phát triển Việt Nam là kết quả của một quá trình tham vấn do Ngân hàng Thế giới điều phối, với sự tham gia không chỉ của các đối tác phát triển mà còn có cả các tổchức phi chính phủ, các tổchức học thuật, các nhà nghiên cứu và tư vấn độc lập.
Bức tranh tổng quát Việt Nam đã trải qua hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và vừa đạt được vị thế “quốc gia có thu nhập trung bình thấp” vào năm 2009.

Đi cùng với tăng trưởng kinh tế là tỷ lệ nghèo giảm mạnh trong toàn quốc. Chính phủ thực hiện chính sách chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Một phần nội dung của chính sách này là phân cấp quy trình ra quyết định xuống các cấp chính quyền địa phương. Tốc độ tăng trưởng dân số không cao, nếu xét về tổng thể, nhưng ngày càng có nhiều người chuyển ra sinh sống ở các trung tâm đô thị và bỏ sản xuất nông nghiệp để chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Phần lớn sự tăng trưởng kinh tế dựa trên sự khai thác mạnh mẽ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Sử dụng đất tăng mạnh, tài nguyên nước ngày càng bị lạm dụng, rừng tự nhiên bị khai thác lấy gỗ, trữ lượng cá cho hoạt động đánh bắt bị cạn kiệt, và tài nguyên khoáng sản ngày càng bị khai thác nhiều hơn. Không có gì sai nếu sử dụng tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng kinh tế. Nhưng để phát triển bền vững, cần phải đảm bảo rằng các tài nguyên có thể tái tạo được khai thác ở mức thích hợp để có thể bổsung, và lợi nhuận thu được từ việc khai thác các tài nguyên không thể tái tạo được đầu tư vào các hình thức vốn khác. Càng sử dụng nhiều thì càng tạo ra tình trạng cạnh tranh, thậm chí mâu thuẫn, về tài nguyên. Khi đó, cần phải có những quy định rõ ràng về các quyền đối với tài sản, các quy tắc giao dịch, và giải quyết mâu thuẫn.
Sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, tăng trưởng dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa đang kết hợp với nhau dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí đô thị và gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Ở một chừng mực nào đó, tình trạng này có thể được cân bằng thông qua tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên và áp dụng các tiến bộ công nghệ. Nhưng cuối cùng, kết quả sẽ là sự gia tăng áp lực đối với dự trữ tài nguyên và ô nhiễm. Trong nhiều trường hợp, chỉ có các lợi ích được ghi nhận vào quá trình tăng trưởng kinh tế, còn các chi phí lại“ẩn”sau các hiện tượng
như sức khỏe con người suy yếu, tổn thất khả năng sản xuất của hệ sinh thái trong dài hạn và chất lượng môi trường suy giảm.
Các cú sốc do biến đổi khí hậu cần được giải quyết bằng các biện pháp thích ứng. Nhiều tác động lâu dài của biến đổi khí hậu còn chưa được biết rõ. Nhưng những gì đã biết cũng đủ để thúc đẩy các hành động khẩn cấp: nhiệt độ sẽ tăng, mực nước biển đang dâng, và xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng. Sự thay đổi lượng mưa có thể làm cho hạn hán và lũ lụt trở nên trầm trọng hơn, và các sự kiện khí hậu cực đoan có thể xảy ra thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn, trong khi mức độ tác động hiện tại cũng đã quá nghiêm trọng và cần có biện pháp đối phó.
Việt Nam đang vận động trong một bối cảnh quốc tế. Toàn bộ nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào hệ thống toàn cầu, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổchức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006. Hầu hết nguồn tài nguyên nước mặt của Việt Nam đều bắt nguồn từ lãnh thổ nước ngoài. Do đó Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi các nhà máy thủy điện lớn trên sông Mê-kong.
Ngành chế biến gỗ của Việt Nam lệ thuộc khá mạnh mẽ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, nhiều sản phẩm của ngành này được sản xuất để xuất khẩu, và các thị trường nhập khẩu lại đang đặt ra những quy định mới, dẫn đến những yêu cầu mới đối với Việt Nam. Ngành đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản cũng chủ yếu tập trung vào định hướng xuất khẩu, trong đó ngành đánh bắt hải sản phải cạnh tranh với các đội tàu nước ngoài ở các vùng biển quốc tế. Một số thị trường quan trọng nhập khẩu sản phẩm hải sản của Việt Nam sẽ đòi hỏi các bằng chứng về quản lý tài nguyên bền vững tại Việt Nam. Ngành khai thác khoáng sản cũng phát triển mạnh theo định hướng xuất khẩu. Tất cả những tình hình này đều có ảnh hưởng lớn đến chương trình cải cách của Việt Nam.
Các kết luận về chương trình cải cách Việt Nam đã và đang thực hiện một quá trình cải cách năng động. Báo cáo này đưa ra những khuyến cáo nhằm củng cố đà cải cách này. Lịch sử gần đây của Việt Nam là một câu chuyện thành công về cải cách kinh tế. Đôi khi các mục tiêu về hiệu quả kinh tế, bền vững môi trường và công bằng thích ứng khá tốt với nhau – thông qua mô hình tăng trưởng kết hợp với giảm nghèo. Nhưng cũng  có những khi phải lựa chọn giữa các mục tiêu này. Ví dụ như, nếu tăng trưởng kinh tế đặt “mức chi phí bằng 0” cho các tác động môi trường thì thị trường và những người ra quyết định sẽ nhận được những dấu hiệu sai, và do đó sẽ phá hỏng những ích lợi từ quá trình phát triển. Các thị trường hiệu quả có thể không đem lại những kết quả được chấp nhận theo quan điểm công bằng, và nhiều ví dụ
khác tương tự. Do đó, cần phải theo dõi quá trình cải cách để giám sát việc thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau, mà đôi khi đó lại là các mục tiêu cạnh tranh với nhau. Ngoài ra, còn phải giải quyết những khoảng cách lớn giữa lý thuyết với thực tế. Cần có đủ nguồn lực để thực hiện thành công các chính sách hợp lý.
Nói tóm lại, chương trình cải cách quản lý tài nguyên thiên nhiên mà Báo cáo Phát triển Việt Nam đề nghị gồm có những nội dung sau:
Quản lý nhà nước tập trung vào phối hợp hành chính tốt hơn và tăng cường việc thu thập, phân tích dữ liệu và công bố thông tin để hỗ trợ sự vận hành của các thị trường và tạo điều kiện nâng cao hiệu quả của quá trình ra quyết định công. Việc này sẽ góp phần thực hiện hiệu quả kinh tế, sự bền vững môi trường và công bằng xã hội. Các ưu tiên trong ngắn hạn gồm có: tăng cường tính công khai, minh bạch trong các thị trường đất đai; cải tiến việc thu thập dữ liệu về nước nhằm thúc đẩy quản lý lưu vực hợp lý trong bối cảnh cạnh tranh sử dụng nước ngày càng tăng; thực thi các tiêu chuẩn dữ liệu nghiêm ngặt trong ngành lâm nghiệp để tạo điều kiện huy động các nguồn vốn quốc tế nhằm hỗ trợ hấp thu các-bon, lâm nghiệp bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cấp cơ sở dữ liệu nhằm xác định hiện trạng nghề cá và các mức đánh bắt hợp lý; công bố kết quả đánh giá tác động môi trường từ việc khai thác khoáng sản.
Làm rõ và đảm bảo các quyền đối với tài sản trong thời hạn lâu hơn, và tăng cường sử dụng các mức giá thị trường để tạo khuyến khích đầu tư, tăng trưởng và các giải pháp có tính phân cấp.
Đây là những đổi mới căn bản để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn. Các ưu tiên đổi mới để đạt hiệu quả trong ngắn hạn gồm có: hiện đại hóa quản lý địa chính nhằm giảm chi phí giao dịch, tăng hiệu quả tưới, tăng năng suất rừng trồng, cải cách cơ chế trợ cấp cho ngành đánh bắt cá để không khuyến khích khai thác quá mức các tài nguyên biển và tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân theo đuổi các cơ hội trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Cải thiện việc thực thi quy định môi trường để rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn;gán các giá trị cho môi trường nếu thị trường không thể làm được điều này; mở rộng các cơ chế đồng quản lý trong lâm nghiệp và quản lý tài nguyên biển và cơ chế chi trả cho các dịch vụ môi trường; đồng thời kết hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào quá trình quy hoạch công. Đây là những đổi mới căn bản để đạt được sự bền vững môi trường. Các ưu tiên trước mắt về phương diện môi trường gồm có: quy hoạch sử dụng đất để bảo vệ các sinh cảnh quan trọng; đẩy mạnh việc thực hiện các quy định nhằm chống ô nhiễm nước; tiếp tục phát triển các hệ thống chi trả cho dịch vụ bảo vệ và mở rộng rừng tại các vùng ven biển; mở rộng hệ thống Khu Bảo tồn Biển kết hợp với các hệ thống bảo tồn dựa vào cộng đồng; và thực thi các quy định môi trường liên quan đến khai thác mỏ.
Các cơ chế chia sẻ lợi ích cộng đồng, đền bù tài sản bị tổn thất theo giá trị thị trường, tăng cường điều kiện tiếp cận thông tin, minh bạch trong quản trị và sự tham gia của công chúng. Đây là những đổi mới căn bản để đảm bảo sự công bằng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên. Các ưu tiên trong ngắn hạn gồm có: giải quyết hiệu quả và công bằng các khiếu nại trên thị trường đất đai; cải tiến có chọn lọc các dịch vụ nước cho người nghèo; mở rộng các thí điểm khả quan trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp cộng đồng cũng như tài nguyên biển; và đưa ra các quy định để các cộng đồng được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động khai thác khoáng sản tại các vùng lân cận.

Báo cáo chi tiết