Kỷ yếu Đa dạng sinh học và Biển đổi khí hậu

Giới thiệu

Trong gần 30 năm qua, suốt từ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, thế giới đã rất nỗ lực để xây dựng một xã hội phồn thịnh, hạnh phúc, thông qua việc xây dựng Chương trình nghị sự 21 (1992), thúc đẩy thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (2000-2015) và gần đây là Chương trình nghị sự 2030 (2015-2030) vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, thế giới cũng đang phải đối mặt với một thách thức to lớn là biến đổi khí hậu, với nhiệt độ tăng cao, nước biển dâng, thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng dữ dội, mà tác động tiêu cực của chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phát triển bền vững của các quốc gia.

Đa dạng sinh học, bao gồm các hệ sinh thái, các loài và nguồn gen, là nền tảng cho nền kinh tế xanh và là giải pháp cho sự phát triển bền vững, không những đang bị suy thoái do những hoạt động của con người, mà cũng đang đối mặt với thách thức do tác động của biến đổi khí hậu. Mặt khác, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học lại chính là giải pháp cơ bản nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Trong bối cảnh đó, Hội thảo khoa học quốc gia “Đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu” của Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội là một diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia và các nhà quản lý cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến bảo tồn, sử dụng và phát triển đa dạng sinh học một cách bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đây cũng là hoạt động thường niên của Viện Tài nguyên và Môi trường, nhằm thúc đẩy các cách tiếp cận nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực, nhằm đem những kiến thức khoa học đầy đủ, sâu sắc hơn về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu thành các thông tin hữu ích, phục vụ công tác hoạch định chính sách bảo tồn và phát triển bền vững cho đất nước.

Tập kỷ yếu đã tập hợp được 34 báo cáo của các nhà khoa học và quản lý, đến từ các bộ, ngành các viện nghiên cứu, các trường đại học, các khu bảo tồn và các tổ chức phi chính phủ trong cả nước. Các báo cáo được chia thành ba chủ đề: (1) Báo cáo đề dẫn; (2) Mối quan hộ giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu; và (3) Bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Do việc biên tập và in ấn cuốn kỷ yếu này chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn nên không tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm và ý kiến đóng góp của các độc giả.

Thay mặt Ban Biên tập

VIỆN TRƯỞNG

Hoàng Văn Thắng